Sáng nay trong lúc lướt Facebook mình vô tình thấy một người bạn trong kết nối của mình nhắc về vụ chị Hà Thủy livestream để bảo vệ con bị bắt nạt ở trường quốc tế. Đọc mấy dòng đó tự dưng mình thấy có gì đó quen thuộc nên mới tò mò vào Facebook của chị này xem hai tiếng và bao nhiêu ký ức ngày xưa ùa về và rất muốn gõ lại những dòng này để chia sẻ với các bạn.
Sau khi bố mình mất lúc mình hai tuổi rưỡi thì mẹ mình mang mình về quê ngoại và một mình nuôi mình với vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Mẹ mình đối với mình là một người vô cùng nghiêm khắc. Nói chung là hồi bé mình hay bị ăn roi, mà mỗi lần bị đánh là y như rằng còn vết lằn tím chứ không phải đùa nên mình sợ mẹ mình lắm. Ba tuổi, sau một trận sốt giật rất kinh hoàng, mắt mình bắt đầu bị lác. Mẹ mình lại đạp xe khắp nơi đưa mình đi châm cứu nhưng không khỏi. Thế là mình bắt đầu sống với biệt danh là “con mắt lác” từ bấy giờ. Mình đi đến đâu cũng bị chế giễu bằng đủ thứ ngôn từ khiến mình vô cùng tức giận. Tuy vậy, mẹ mình bảo là “nhà mình chỉ có hai mẹ con, thế nên là con đi đâu phải cẩn thận, không được trêu ghẹo ai, không được làm gì sai trái; nếu chúng nó nói thì thôi con coi như không nghe thấy gì, chủ động tránh xa nó ra còn đứa nào nó động vào người con thì con phải về bảo với mẹ“. Vì thế, dù mình vô cùng tự ti nhưng dần dần mình cũng học được cách lờ đi những lời nói khiếm nhã đó, cả từ người lớn lẫn trẻ con.
Nhưng có vài lần mình ra sân đình chơi và bị những đứa trẻ con khác bắt nạt, chẳng hạn như có lần mình đang đứng xem bọn nó đá bóng thì vèo một cái quả bóng bay đập đến bộp một cái vào thẳng mặt mình. Trong lúc mình tối tăm mặt mũi, nước mắt giàn giụa chảy ra thì bọn nó rú lên cười ha hả và mình chắc chắn rằng đó không phải là vô tình. Mình chạy về mách mẹ. Mẹ mình mới hỏi sự tình lúc đấy diễn ra thế nào, làm sao mà mình lại bị như thế, bọn kia là đứa nào, đang ở đâu. Rồi mẹ chạy vù ra dọa cho nó một trận và sau đó vào tận nhà nói chuyện với bố mẹ của nó. Tính của mẹ mình thì khi tức giận thường nói rất to nên là sau vài lần như vậy, bọn trẻ con trong làng dần dần sợ mẹ mình vô cùng và không hề dám bắt nạt gì mình nữa, dù chúng nó vẫn liên tục gọi mình là con lác này nọ.
Sau này khi mình bắt đầu vào tiểu học, vì nhà nghèo nên hồi đầu năm mình hay bị thiếu sách vở, bảng, phấn, bút viết hoặc là thường xuyên đóng tiền học chậm. Thế là khoảng thời gian ấy mình bị đuổi về nhà lấy tiền đóng học hoặc lấy đồ dùng học tập rất nhiều lần mà họ thừa biết rằng dù có đuổi về thì mình cũng không có ngay được. Hồi đó đi cùng với mình còn có một bạn nữa, hai đứa cứ 12h đi bộ đến trường đi học là tầm 1h chiều trời nắng chang chang lại phải lọ mọ đi bộ về. Mà người đuổi mình về không phải là giáo viên mà là bạn lớp trưởng được giáo viên chỉ định. Cho đến cấp 2 khi bắt đầu phân ra lớp chọn và lớp thường thì mình không còn học chung với người bạn này nữa nhưng mà cho đến bây giờ, mỗi lần nghĩ lại thì hình ảnh của bạn ấy với mình đều dấy lên một cảm giác khó chịu. Lúc đầu mẹ mình có ra nói chuyện với giáo viên, trình bày hoàn cảnh và xin được thư thư vài hôm mới có tiền đóng học cho mình các thứ. Nhưng sau đấy khi giáo viên chỉ định cho bạn kia ngày ngày xử mình như vậy thì mẹ bắt đầu bức xúc và đến trường gặp Ban giám hiệu và làm to mọi chuyện lên. Sau vụ đó thì như ở làng, mình bắt đầu nổi tiếng khắp trường và chuyện bắt nạt trực tiếp như vậy không còn xảy ra nữa. Hồi ấy mình thấy ngại lắm, bởi vì mọi người thường hay nói là: “Tránh xa con bé đó ra, đừng động đến nó vì mẹ nó ghê lắm“. Nhưng những năm tháng sau này khi đã trưởng thành nhìn lại, mình mới thấy thật biết ơn biết bao nhiêu vì mẹ mình đã bảo vệ mình đến cùng như thế.
Người ta nói rằng, muôn triệu tình yêu là muôn triệu đích đến. Mỗi con người có cách riêng để thể hiện tình yêu thương của mình và mẹ mình cũng vậy. Mình thật sự hiểu là, mẹ mình cũng như chị Thủy kia hay vô vàn những người mẹ khác trên đời, không ai muốn mang danh là “ghê gớm”, là đanh đá, chua ngoa. Rồi thì mẹ cũng lo lắng rằng nếu làm to mọi chuyện lên thì con mình đi học sẽ bị dè bỉu, bị xì xầm, bị “đì” này nọ. Nhưng ai biết rằng, trong hoàn cảnh đó, khi bị đủ thứ người tự cho là mình đủ đầy, mình có quyền, có tiền, có thế, có vợ có chồng là mình đương nhiên được bắt nạt, chèn ép, coi con mình là nhất còn con người ta là đất thì những người mẹ ấy, dù bên trong có yếu đuối cỡ nào thì bên ngoài cũng phải “xù lông nhím” lên để bảo vệ con của mình. Tuy nhiên, đúng như chị Thủy nói thì việc bảo vệ con mình phải xuất phát từ việc hiểu con mình là đứa trẻ như thế nào và việc bảo vệ phải xuất phát từ cái đầu chứ không phải bênh vực một cách vô lý. “Tôi đẻ con tôi ra, tôi biết con mình là đứa như thế nào” là câu nói của chị Thủy giống y hệt của mẹ mình ngày xưa. Nó không nên bị hiểu là bênh con mù quáng hoặc tự tin thái quá vì thực tế có rất nhiều góc của mình hay của những đứa con khác mà mẹ mình và các bố mẹ khác còn chưa biết. Nhưng dưới góc độ làm đứa trẻ tử tế, hiểu chuyện và sau khi đã xem xét các thông tin thì mẹ mình tin rằng mình không làm ra chuyện nào tồi tệ trong những tình huống như vậy. Câu nói đó là một sự an ủi rất lớn với đứa trẻ, vì tụi mình biết mình được tin tưởng. Câu nói đó không phải áp đặt nhưng nó vô hình trở thành một ý niệm trong đầu mình rằng, à mẹ mình đã tin tưởng mình như thế, mình phải cố gắng làm sao cho sống xứng đáng với niềm tin ấy.
Ý này tự dưng khiến mình liên tưởng đến một bài học từ sếp mình trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên trong công việc. Mình ra trường và đi làm ngành luật tới nay đã bước sang năm thứ 5 và trải qua ít nhất 4 người sếp. Nhưng một điều mà mình luôn biết ơn đó là luôn gặp được những người sếp có tâm và khiến mình học hỏi được rất nhiều. Quá trình làm việc ấy, mình đã gặp không ít những va chạm với nhân viên của các phòng ban khác và cũng chứng kiến những câu chuyện tương tự xảy ra. Mình đã chứng kiến có những người sếp khi nghe thấy mà nhân viên của mình xảy ra mâu thuẫn với nhân viên của bộ phận khác thì vội vàng ào ào đi tìm người đó để giải quyết mà không cần xem xét sự tình diễn ra như thế nào. Nhưng sếp cũ của mình thì khác. Chị ấy luôn dành thời gian để hỏi han mình xem câu chuyện diễn ra như thế nào, mình đã hành động ra sao, người kia đã hành động ra sao, vấn đề ở đây là gì? Có lần nhân viên phía bên kia gửi mail trực tiếp đến sếp mình với những lời lẽ rất khó nghe, nhưng chị ấy không vội trả lời ngay mà dành thời gian hỏi han làm rõ rồi để qua ngày hôm sau mới email cho sếp của người đó, cc tất cả những người có liên quan vào để cùng làm rõ vấn đề. Mình học được rất nhiều từ hành động đó, từ cách giải quyết mâu thuẫn trong công việc, cách làm sao để nhân viên hiểu là mình ở bên nhân viên nhưng cũng khẳng định được cách hành xử của người đứng đầu chứ không để nhân viên điều khiển như một “con rối”. Kể từ đó, mỗi khi có vấn đề xảy ra, mình luôn cố gắng giải quyết làm sao để sếp mình không phải ra mặt cho những chuyện như vậy nữa. Mặc dù vậy, cảm giác có người luôn ở đó để ủng hộ mình và chỉ cho mình cách tốt hơn để giải quyết vấn đề luôn khiến mình rất biết ơn.
Quay trở lại câu chuyện từ ban đầu thì rất may là chuyện mình bị bắt nạt bằng đụng chạm trực tiếp đã không còn diễn ra sau đó mặc dù việc chế giễu bằng lời nói thì vẫn mãi theo mình đến tận cấp 3. Nhưng dần dần mình nghe lời mẹ mình và học được cách để mạnh hơn những đứa bắt nạt đó chính là học thật giỏi và phải thật “cứng”. “Cứng” cụ thể thế nào thì mình không chia sẻ nhưng dùng bạo lực để chống lại bạo lực không phải là cách giải quyết vấn đề. Vấn đề là chúng ta dùng cái đầu, dùng tri thức, dùng năng lực để khẳng định mình, chống lại cái xấu mới là cách để bền lâu.
Còn về phía mẹ mình thì dường như dòng máu của người mẹ luôn sẵn sàng bảo vệ con tiếp tục dành cho hai em mình và thậm chí ngay cả khi mình đi làm rồi mà mỗi lúc gặp đồng nghiệp “máu chó” rồi về khẽ than với mẹ là mẹ lại hỏi: “công ty ở đâu?”, haha. Nhớ lại công việc chính thức đầu tiên khi mình đi làm, mình stress đến độ ngày nào tan làm về cũng khóc. Mẹ mình hỏi ra thì mới biết sự tình và bảo mình là nghỉ ngay cái công ty đó đi hoặc đùa là “hay để tao đến tận nơi tao xem nhá”. Haha. Tất nhiên là mình biết mẹ sẽ không làm như ngày xưa nữa và mình cũng đủ độc lập, tự tin để giải quyết vấn đề của mình nhưng mỗi lần như vậy, dù phì cười cả ra nhưng mình lại cảm thấy rất ấm áp. Rồi mình nghĩ là mình cố mà giải quyết cho hẳn hoi chứ ai mà biết mẹ mình sẽ tới công ty làm cho ra nhẽ thật, há há :D. Lần đó thì sau biết bao trăn trở mình cũng quyết tâm nghỉ việc. Hôm nghỉ việc, mình mua 2 chai Strongbowl về phòng trọ uống. Vừa hay hôm đó mẹ mình với em mình ra chơi. Mọi người chỉ ngồi nhìn mình uống xong mình nằm vậy ra giường đi ngủ. Mẹ mình chẳng nói gì chỉ lẳng lặng kéo chăn đắp kín chân cho mình. Không làm việc này thì làm việc khác, ngày mai trời vẫn sáng đấy thôi.
À, mình vẫn nhớ là ở quê mình ngày đó, người ta hay bảo mẹ mình là: “Đừng “ghê” quá như thế để sau này đỡ mang tiếng cho con cái còn dễ lấy chồng lấy vợ. Chứ không là người ta nghe danh mẹ như thế thì có mà người ta chạy mất dép”. Thậm chí lướt các bình luận của cộng đồng mạng thì mình thấy rất nhiều người cũng nói là: “Mẹ mà như thế chắc con gái sau này còn ghê gớm nữa“. Thế mới biết, thời nào cũng thế, miệng lưỡi thế gian luôn có những lời độc ác, sẵn sàng sát thương người khác như vậy. Hồi đầu như đã nói ở trên, mình cũng xấu hổ và lo lắng người ta sẽ gièm pha như thế. Nhưng sau này mình nghĩ, một người thực sự yêu thương mình sẽ dành thời gian để hiểu mình và gia đình mình để xem hai bên có hòa hợp với nhau không. Nếu người ta vì những lời người ngoài nói mà đến với mình thì ai chắc được họ cũng vì những lời nói đó mà rời xa mình. Mình tin rằng cuộc đời của mỗi người là một hành trình không ai giống ai, chỉ có mình mới thực sự biết được những nỗi khổ, niềm đau của bản thân, chỉ có mình mới biết được làm sao để trưởng thành độc lập, trở thành một con người tử tế, biết yêu thương và biết bảo vệ những người mà mình yêu thương trước cái ác, cái xấu chứ không phải sẵn sàng “lấy thịt đè người”, cậy quyền, cậy thế, bắt nạt, chèn ép, nói lời vô tâm, áp đặt lên cuộc sống của người khác.
Mình chia sẻ lại câu chuyện của mình không phải là gieo thêm sự tức giận hay bêu xấu ai. Bởi vì, trên hành trình tiếp theo mình đi từ đó đến bây giờ, mình luôn biết ơn vì khi đi học gặp được thầy cô có tâm, gặp bạn bè tốt luôn quan tâm, giúp đỡ, dõi theo và yêu thương mình; khi đi làm cũng gặp được những người sếp tâm lý, được đồng nghiệp hỗ trợ. Tất nhiên là con người thì luôn có người này, người khác. Giống như cô giáo dạy Sinh năm cấp ba của mình nói là xã hội thực ra không có người tốt, cũng không có người xấu mà chỉ có người làm việc tốt và người làm việc xấu; có người đối với người này thì tốt nhưng với người khác thì lại rất xấu; ranh giới giữa tốt và xấu, thiện và ác luôn luôn rất mong manh. Nhưng trên hành trình ấy, mình luôn lấy những điều tệ làm bài học và chọn giữ lại những điều tốt đẹp làm động lực cho bản thân.
Câu chuyện của mẹ con chị Hà Thủy thì mình không có ý kiến bởi vì tất cả những gì mình biết là thông tin chưa đầy đủ. Nhưng có một điều chắc chắn là, mình hiểu cảm giác của chị và con gái chị trong tình huống của ngày xảy ra sự việc. Cách mẹ mình bảo vệ mình ngày đó có thể không phải là đúng hoàn toàn nhưng đó là cách phù hợp với mình trong tình huống như vậy. Thật không thể tưởng tượng nổi nếu ngày đó mẹ mình không kiên quyết như vậy thì những ngày tháng sau này của mình sẽ ra sao…
Mong tất cả chúng ta có một hành trình trưởng thành ít tổn thương nhất và luôn có ai đó bên đời mà chúng mình sẵn sàng chia sẻ và cậy nhờ giúp đỡ dù cả thế giới có quay lưng.
P/s: một bài hát tặng mọi người trong một buổi chiều Chủ Nhật với cơn mưa mùa hạ to thật to nhé 🙂
Judy,
get 1% better every day,
(Cảm ơn Pexels vì bức ảnh miễn phí thật đẹp đầu bài viết này)