Đây là bài mình viết cách đây 3 năm đăng trên chuyên mục Triết học tuổi trẻ của ybox.vn nhưng đến bây giờ mình thấy vẫn còn nguyên giá trị nên đăng lại để chia sẻ với mọi người.
Kỳ học cuối cùng của năm thứ 4 Đại học, lúc ấy, mình chỉ còn việc hoàn thành khóa luận tốt nghiệp tương đương với 10 tín chỉ để ra trường. Việc viết khóa luận được kéo dài trong vài tháng, và đương nhiên khi có kế hoạch chu toàn, mỗi ngày thực hiện một phần của mục tiêu và nghiêm túc thực hiện theo thời gian biểu đã đề ra, mình sẽ có khả nhiều thời gian rảnh. Cuối cùng, mình đã được nhận vào làm công việc full-time ở một công ty lớn. Đó là phòng kế toán, phụ trách công việc sổ sách giấy tờ của hai công ty con. Nơi mà luôn có những chồng giấy tờ cao ngất, những biên lai, hóa đơn, bảng tính, những nhân viên chăm chú theo dõi màn hình và gõ phím lạch cạch. Một môi trường bận rộn, vội vã đúng như hình dung và mong muốn của mình từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.
Vì thế, mặc dù chỉ làm ở một vị trí phụ việc, chịu trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo cho các số liệu được khớp với nhau, mình vẫn thấy mình may mắn vì có công việc đó. Tuy nhiên, lúc ấy, khi chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực này, mình chỉ đơn giản nghĩ rằng chỉ cần làm tốt những gì được giao là được. Ngoài ra những việc khác, mình không quan tâm quá nhiều.
Mình nhớ có một ngày, đó là khi Giám đốc gọi điện lúc 7h tối và hỏi mình rằng, liệu có khả năng trong lúc kiểm tra, mình đã kẹp nhầm về một tờ vận đơn nào hay không? Mình trả lời là không có việc đó, bởi vì mình không có thói quen mang công việc về nhà. Sáng hôm sau, khi đến văn phòng, mình vô cùng bất ngờ khi nhìn thấy cảnh mọi người bắt đầu kiểm tra đi kiểm tra lại những tài liệu mà ngày thường mình vẫn tiếp xúc để tìm một tờ vận đơn. Lúc ấy mình mới biết, khả năng cao là kế toán phụ trách việc lấy giấy tờ của chuyến hàng đó làm mất tài liệu. Và bây giờ, có rất nhiều tình huống được đặt ra, một trong những giả định nhiều hi vọng nhất có thể là tờ vận đơn đó lẫn đâu đấy trong đống giấy tờ này. Cuối cùng thì, việc tìm kiếm không đem lại kết quả. Sau này tôi mới biết, việc mất một tờ vận đơn mà hàng ngày đối với mình cực kỳ bình thường, có thể khiến cho công ty thiệt hại vô cùng nặng nề. Vài tháng sau, người kế toán đó không còn cơ hội làm việc ở công ty nữa. Bài học đầu tiên của tôi khi đó, chính là luôn luôn phải cẩn thận trong bất kỳ việc gì mình làm. Mỗi cá nhân là một mắt xích trong một hệ thống gắn kết, hành động của chúng ta dù nhỏ nhưng có tác động đến người khác.
Sau này, khi tốt nghiệp ra trường, mình chính thức bước vào một môi trường mới, đúng chuyên ngành và đúng vị trí mà mình kỳ vọng. Nếu là một người mới ra trường hay mới bắt đầu công việc đầu tiên, hẳn bạn con nhớ cảm giác lâng lâng hạnh phúc trong những ngày đầu đi làm. Mọi thứ có thể sẽ càng tuyệt hơn nếu như đó chính là công việc đáp ứng được nguyện vọng của bạn. Ngày đi làm đầu tiên, tháng lương đầu tiên, ngày chính thức có trong tay sổ bảo hiểm xã hội, có mã số thuế thu nhập cá nhân. Và tất nhiên là cả cảm giác lo lắng không yên vào ngày mắc sai lầm đầu tiên nữa.
Ai cũng có thể hiểu được, đối với rất nhiều người,việc mắc lỗi, làm sai luôn khiến chúng ta lo lắng. Đối với một nhân viên mới, dù chỉ là một lỗi nhỏ thôi thì cảm giác đó càng tăng lên gấp bội. Công ty, đồng nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Sếp sẽ nghĩ ra sao? Đó là chưa kể có nhiều sai sót sẽ dẫn đến những thiệt hại vô cùng to lớn cho doanh nghiệp. Cẩn trọng, kỹ lưỡng trong công việc mình làm chưa bao giờ là bài học thừa thãi cả. Thế nhưng, dù vậy, đã là con người thì không ai tránh khỏi sai sót. Nếu một ngày nào đó, bạn rơi vào tình huống này thì phải làm sao đây?
Thứ nhất, việc đầu tiên là hãy thành thật, đừng đổ lỗi và nhanh chóng đưa ra cách khắc phục. Thành thật là yếu tố đầu tiên trong mội trường làm việc. Chỉ khi thành thật và dũng cảm nhận trách nhiệm, bạn mới nhanh chóng có được sự giúp đỡ từ sếp, đồng nghiệp và những người xung quanh.
Đổ lỗi là tâm lý thường thấy trong rất nhiều trường hợp. Khi một sai sót xảy ra thì việc đầu tiên mà người ta thường làm đó là tìm cá nhân để chịu trách nhiệm. Nhưng công việc đó, nếu là bạn phụ trách thì đừng biện minh và đưa ra lý do, việc đó, nếu cần thiết, có thể để sau. Việc đầu tiên là nhanh chóng đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Ngưng đổ lỗi cũng đồng nghĩa với việc dừng trách cứ bản thân. Bởi thời gian là có hạn, bạn nên tập trung sức mình vào việc khắc phục. Tự hỏi mình, rằng phải làm sao để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất và mình có thể làm gì cho lần tiếp theo tốt hơn.
Thứ hai, đừng quên tự hỏi bản thân, rằng điểm tích cực của chuyện này là gì? Mình có thể học được điều gì từ sai lầm đó? Bạn biết đấy, mỗi người trong chúng ta có cả một cuộc đời dài để sống, quá nhiều việc cần làm và nhiều mối quan tâm nhưng không ai là hoàn hảo cả. Chính vì thế việc mắc lỗi hay những sai lầm là điều mà không ai tránh khỏi được. Tuy nhiên, điều quan trọng là không được phép lặp đi lại lỗi sai ấy nhiều lần. Sau mỗi sai lầm, ta phải cho mình thời gian dừng lại và suy nghĩ xem mình cần làm gì để không lặp lại điều đó.
Bạn có thể nghĩ như thế này, sai sót, mặt khác, chính là cơ hội để bạn hiểu hơn về sếp và đồng nghiệp. Như đã nói, là con người thì khó tránh được những lúc làm sai và sự thật là không ai muốn sai cả. Chặng đường làm việc cùng nhau hay trong bất cứ mối quan hệ nào, lúc mọi việc trôi chảy, thuận lợi thì ai cũng vui vẻ thoải mái. Nhưng hãy nhìn vào cách mọi người đối xử với nhau khi ai đó mắc sai lầm. Đồng nghiệp của bạn có cùng giúp bạn một tay hay hướng dẫn bạn khắc phục không? Cấp trên của bạn có đứng ra bảo vệ bạn, có khoan dung với bạn hay phê phán, chỉ trích bạn? Tất cả có thể nhờ lần mắc lỗi này mà thể hiện ra. Làm nhân viên thì chọn công ty, chọn lãnh đạo, đồng nghiệp. Làm sếp thì nhớ lúc mình làm nhân viên để cư xử với cấp dưới. Sai lầm, ấy là cơ hội để bạn học hỏi từ chính nó, bạn sẽ thấy trưởng thành và nhớ lâu hơn. Và thực sự, nhìn một cách tích cực thì chính làn sai sót ấy của bạn, bạn sẽ hiểu hơn về những người xung quanh mình. Mỗi trải nghiệm là một bài học vì lẽ đó.
Sau này, khi đã đi làm nhiều năm, nếu một ngày nhớ lại những thấp thỏm lo âu từ lần sai đầu tiên lúc mới vào nghề, bạn sẽ thấy mọi thứ thực ra chỉ là chuyện nhỏ. Tất cả những cảm xúc bạn đang trải qua bây giờ rồi sẽ qua đi, vấn đề rồi sẽ được giải quyết. Hãy tin rằng sai lầm, mắc lỗi, hay thất bại là một phần của cuộc sống. Chúng ta sẽ học nhanh hơn, nhớ lâu hơn từ những lần vấp ngã và đứng dậy chứ không phải từ những lần thuận lợi, dễ dàng. Nhờ có những trải nghiệm bây giờ tưởng chừng thật tồi tệ mà chúng ta trưởng thành hơn mỗi ngày trong hôm nay và tương lai. Điều quan trọng là cách chúng ta đối mặt và học hỏi từ những sai lầm đó mà thôi.
Chúc bạn những bước khởi đầu thuận lợi và có một hành trình đáng nhớ trên con đường sự nghiệp về sau.
Judy
get 1% better every day,
(Cảm ơn Unsplash vì những bức ảnh miễn phí thật đẹp trong bài viết này)
Pingback: Con đường trở thành chuyên gia pháp chế doanh nghiệp của mình - Ngày Ngày Tiến Lên