Con Đường Trở Thành Chuyên Gia Pháp Chế Doanh Nghiệp Của Mình (phần 1)

Dông dài một chút

Đã rất lâu rồi mình mới đăng một bài viết trở lại trên blog cá nhân này và mình rất vui vì biết rằng bạn vẫn theo dõi và âm thầm ủng hộ mình. Vì một số lý do cá nhân mà mình không đăng bài thường xuyên trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, mình nhất định sẽ ngày ngày bắt đầu trở lại, ngày ngày thực hiện mục tiêu của mình để có thể ngày ngày tiến lên. Cảm ơn mọi người vì vẫn ở đây và đọc từng bài viết, động viên khích lệ mình tiếp tục chia sẻ.

Một số bạn bè theo dõi trang viết của mình có thể chưa biết là nghề nghiệp chính của mình hiện tại là Senior Legal của một doanh nghiệp Đài Loan ở Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản thì mình làm việc với tư cách của một nhân viên pháp chế nội bộ và sẽ tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp luật cho công việc kinh doanh của công ty đồng thời thực hiện các công việc kiểm soát tuân thủ hàng ngày. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội và có khoảng ba năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này, mình đã quyết định học khóa đào tạo luật sư ở Học viện Tư pháp từ năm 2021 và đang trong thời gian một năm tập sự hành nghề luật sư. Mình hi vọng sẽ vượt qua kỳ thi kết thúc tập sự và có thể chính thức nhận chứng chỉ hành nghề để trở thành luật sư vào năm sau. Đó là lý do vì sao mình nói rằng mình mới chỉ là nhân viên pháp chế nội bộ chứ không phải là luật sự nội bộ cho doanh nghiệp. Bạn có thể hiểu rõ hơn về lý do vì sao mình học luật và quá trình làm việc của mình trong vòng một năm đầu ngay khi vừa tốt nghiệp như thế nào tại hai bài viết là Mình Đã Chữa Lành Ước Mơ Như Thế Nào?Gửi Bạn, Người Mới Chập Chững Vào Nghề Và Đang Thấp Thỏm Lo Âu Với Lần Mắc Sai Lầm Đầu Tiên.

Thực ra khi đặt tên bài viết là “chuyên gia pháp chế” thì mình cũng có chút lấn cấn vì mình nghĩ rằng mình chỉ mới là một người học trò đang bắt đầu hành trình này chứ chưa phải là chuyên gia thực sự. Chữ “chuyên gia” ở đây là một trong những mục tiêu phấn đấu của mình với nghề này thì hơn. Mục tiêu của mình trong năm năm tới là phấn đấu trở thành một luật sư – chuyên gia pháp chế giỏi kiến thức chuyên môn, có kỹ năng hành nghề và đặc biệt là phải tử tế. Và cho tới thời điểm hiện tại, mình vô cùng trân trọng và biết ơn hành trình nghề nghiệp mà mình đã đi qua và điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu mình tiếp tục duy trì trang viết này trong nhiều năm nữa thì nhất định mình sẽ tiếp tục cập nhật bài viết này với mọi người và mình tin là mình sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp mà mình theo đuổi.

Mục tiêu của mình là phấn đấu trở thành một luật sư – chuyên gia pháp chế giỏi kiến thức chuyên môn, có kỹ năng hành nghề và đặc biệt là phải tử tế.

Vậy, lý do nào khiến mình viết bài này?

Dạo gần đây trên các diễn đàn nghề luật mà mình đang theo dõi, mình đọc được rất nhiều ý kiến chia sẻ về con đường bắt đầu và theo đuổi nghề luật của các bạn sinh viên mới ra trường. Đại ý có hai luồng quan điểm chính như sau: Một là nhóm cho rằng các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp nên chấp nhận làm từ những việc nhỏ, đi từ thực tập sinh không lương ở các văn phòng luật sư, công ty luật rồi mới dần dần học hỏi và bước chân vào lĩnh vực mà bạn mong muốn theo đuổi, ví dụ như luật sư hành nghề độc lập hay chuyên gia pháp chế doanh nghiệp; Hai là có một nhóm không đồng ý với quan điểm trên và cho rằng dù là sinh viên mới ra trường thì cũng cần được trả lương để đảm bảo cho cuộc sống và các bạn không nên cam chịu và chấp nhận sự không công bằng đến từ chính những người cùng nghề đi trước.

Sau đó thì trong một nhóm kia mình đọc được một status rất tha thiết của một bạn trẻ và đến đoạn cuối bạn có viết rằng: “Thật lòng, có thể quý anh chị nào chia sẻ về con đường theo nghề từ khi ra trường, bắt đầu từ số 0 không ạ. Sẽ thật may mắn và ý nghĩa nếu chia sẻ của anh/chị về câu chuyện của mình sẽ tiếp lửa cho một người nào đó đang khốn khổ ngoài kia.”

Cá nhân mình nghĩ cuộc đời mỗi người sẽ có những thành công, thất bại và những bài học khác nhau. Có rất nhiều kinh nghiệm đúng với người này nhưng lại không đúng với người khác vì hoàn cảnh áp dụng là không giống nhau. Từ khi nhận thức được điều đó, mình luôn cho rằng điều quan trọng là bản thân mỗi người cần tự mình đưa ra quyết định dựa trên hoàn cảnh, tình huống của mình. Người khác không phải là bạn, chỉ có bạn là người trong cuộc mới có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó của mình mà thôi. Tuy nhiên những chia sẻ của người khác cũng là một nguồn thông tin quý giá cho chúng ta để tham khảo. Chính vì lý do đó nên mình đã quyết định chia sẻ về con đường bắt đầu từ số 0 với nghề luật ở bài viết này với hi vọng có thể thêm một chút khích lệ cho các bạn trẻ hơn mình cũng đang đi những bước đầu tiên trên hành trình nghề nghiệp nhiều gian nan này.

Mình đã bắt đầu hành trình của một nhân viên pháp chế như thế nào?

Nếu bạn đã đọc hai bài viết mà mình vừa nhắc ở phía trên, thì chắc hẳn bạn biết rằng mình đã có khoảng thời gian suy nghĩ về việc từ bỏ nghề luật rồi sau đó quyết tâm bắt đầu lại. Sau khi trở về Hà Nội sau một năm gap year, mình quyết định đi học việc ở một công ty chuyên làm về sở hữu trí tuệ. Đây là một lĩnh vực mà mình đã để ý tìm hiểu từ hồi sinh viên và cảm thấy khá hứng thú tại thời điểm đó. Tại công ty này mình có cơ hội gặp gỡ và được hướng dẫn rất tận tình từ chị quản lý và các bạn nhân viên ở đây. Mình đã học việc chăm chỉ, tham gia các buổi đào tạo ở công ty và các buổi miễn phí do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức để nắm được các kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ, quy trình, hồ sơ thủ tục để đăng ký nhãn hiệu, bản quyền tác giả và các đối tượng sở hữu trí tuệ có liên quan. Mình thực sự trận trọng và biết ơn khoảng thời gian này. Học việc được khoảng ba tháng với số tiền hỗ trợ xăng xe (mình nhớ mang máng là khoảng 500 nghìn đồng một tháng), mình quyết định xin nghỉ vì ba lý do: Lý do thứ nhất là công ty không có chính sách cân nhắc cho người học việc trở thành nhân viên chính thức (trừ một vài trường hợp ngoại lệ); lý do thứ hai là nếu cố gắng trở thành trường hợp ngoại lệ như ở lý do thứ nhất thì mình phải học việc với mức hỗ trợ ít ỏi đó trong khoảng thời gian lâu hơn nữa mà tình hình tài chính của mình sau khi ra trường không thể lo được và lý do quan trọng nhất là mình muốn mở rộng, thử sức mình ở các lĩnh vực khác nhau của ngành luật trước khi đưa ra quyết định xem mình sẽ chuyên sâu và gắn bó với lĩnh vực nào.

Mình bắt đầu hành trình với một công ty tư vấn về sở hữu trí tuệ

Sau khi kết thúc quá trình học việc ở công ty tư vấn luật thứ nhất, mình đã ứng tuyền và được nhận vào công ty luật thứ hai. Để làm rõ thì bạn có thể hiểu rằng đều là tư vấn luật nhưng có sự khác nhau giữa công ty luật và công ty tư vấn. Về sự khác nhau này mình sẽ giải thích ở một bài viết sau. Quay trở lại với câu chuyện này thì cùng đợt tuyển dụng với mình lúc đó còn có ba bạn nữa đến từ các trường đào tạo luật khác nhau. Công ty nói rằng vì chúng mình chưa có kinh nghiệm nên thời gian thử việc và học việc sẽ là ba tháng với mức lương là bốn triệu đồng một tháng. Trong thời gian thử việc mình được tiếp xúc với các case tư vấn về doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài cùng với một vài vụ hình sự liên quan đến đất đai vì luật sư trực tiếp quản lý mình làm việc chủ yếu trong các lĩnh vực này. Ngoài giờ đi làm mình cũng tranh thủ học thêm ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung. Mình nghĩ rằng nếu bạn là một sinh viên luật mới ra trường thì vị sếp đầu tiên và lĩnh vực pháp lý chuyên môn của họ sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến con đường về sau của bạn, ít nhất là điều này đúng với mình. Mình cảm thấy may mắn vì quá trình đó gặp được một luật sư tử tế, có tâm, thẳng thắn, tôn trọng và cho đến thời điểm hiện tại mình cũng sử dụng tiếng Anh và tiếng Trung để làm việc chính trong hai lĩnh vực là doanh nghiệp và đầu tư.

Tất nhiên là bên cạnh làm việc thì quá trình này đã có rất nhiều chuyện xảy ra, chủ yếu cũng xoay quanh các vấn đề thông thường mà đa số các bạn sinh viên mới ra trường đều gặp phải đối với môi trường làm việc. Trong đó có một vấn đề mà cá nhân mình thực sự không thích đó là văn hóa uống rượu ở công ty. Thời điểm đó mình không phải đi tiếp khách tuy nhiên mình cực kỳ căng thằng mỗi khi công ty có tổ chức ăn uống. Mình nhớ rằng lần đầu tiên trong đời mình đã uống rượu đỏ hết cả mặt, người chuếnh choáng cực độ khi bước vào nhà vệ sinh và quay trở ra. Sau lần đó tất cả các buổi ăn uống mình chỉ cố gắng tập trung vào ăn, từ chối khéo việc uống rượu và đổi lại là những lời nói và ánh mắt không hài lòng. Mình nhớ là mình mỗi ngày lái xe máy cả đi và về khoảng 30 km sau một ngày mệt nhoài, ngồi ăn cơm nguội và nghe radio của Nhụy Hy để tự động viên mình mà khóc.

Cuối cùng thì sau gần ba tháng thử việc mình đã quyết định xin nghỉ. Dù cho đó chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng mình cảm thấy nó dài vô tận bởi vì mình thực sự vô cùng strees, mỗi ngày đi làm mình đều tự hỏi bản thân là có nên tiếp tục hay không. Có một điều mà mình rất tiếc khi nghỉ việc ở công ty đó là sếp trực tiếp hướng dẫn cho mình vì mình luôn nghĩ rằng mình sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ vị sếp này. Do đó khi phải nghỉ ngang trong tâm trạng không được tốt như vậy, mình đã vô cùng tiếc nuối. Tuy nhiên một điều may mắn đó là sau đó và hiện tại, mình vẫn giữ liên lạc và hiện đang cộng tác với sếp ở một hoàn cảnh mới. Sau này nhìn lại trải nghiệm làm ở công ty luật này, mình không còn cảm thấy strees hay khó chịu nữa mà mình đã nhìn nhận thắng thắn về các bài học ở đây. Mình nhận ra rút cuộc là vấn đề ở đâu, giải pháp nào mà mình nên làm trong hoàn cảnh đó. Đã có lúc mình nghĩ, nếu mình cố gắng ở lại công ty và chấp nhận mọi khó khăn mà các bạn ra trường đều gặp phải như môi trường làm việc, đồng nghiệp, làm việc vặt, lương thấp vv…để có thể học hỏi thì mình sẽ đi đến đâu. Cơ mà mình nhận ra mọi việc xảy ra đều là điều nên xảy ra và mọi sự lựa chọn đều đưa đến một kết quả do đó việc của mình chỉ là bước tiếp thôi.

Mình bắt đầu hành trình ở một công ty luật thứ hai với lĩnh vực tư vấn về pháp luật doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài.

Sau khi nghỉ việc ở công ty luật thì mình tiếp tục phỏng vấn tìm các cơ hội mới và được nhận vào làm nhân viên pháp chế của một công ty khá lớn về bất động sản và sản xuất, chế biến gỗ. Trụ sở chính của công ty đặt tại nhà riêng của sếp tổng là một ngôi nhà rất khang trang, bề thế ở gần sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Đây cũng chính là lần đầu tiên mình biết đến môi trường làm việc ở một công ty gia đình là như thế nào. Và kết quả là mình đã xin nghỉ việc sau một tuần làm việc ở công ty với lý do không phù hợp với môi trường làm việc. Mọi người hay nói rằng phải mất ít nhất sáu tháng để một nhân viên hiểu về công ty và công việc rồi đưa ra quyết định có phù hợp hay không. Tuy nhiên mình tin rằng có những công việc nếu ngay từ sớm đã cảm thấy không phù hợp thì tốt nhất là nên kết thúc để tiết kiệm thời gian, công sức cho cả hai bên. Lần nghỉ việc này đưa lại cho mình một bài học đó là đủ nắng hoa sẽ nở, mọi quyết định trong lúc vội vàng sẽ rất dễ dẫn đến những sai lầm và tất nhiên là mình không phù hợp làm trong một công ty gia đình. Mặc dù vậy bây giờ khi nhìn lại thì mình nhận ra rằng đối với mình đó cũng là một trải nghiệm khá thú vị trên con đường sự nghiệp của mình nhưng ở thời điểm đó mình thực sự lâm vào khủng hoảng…

Trước khi đến với phần 2 của bài viết này, bạn cùng mình nghe hai bài radio của Nhụy Hy đã động viên mình rất nhiều trong những ngày tháng đó nhé.

[còn tiếp]

Mời bạn đọc tiếp Con đường trở thành chuyên gia pháp chế doanh nghiệp của mình (phần 2)

Judy

get 1% better every day,

(Cảm ơn Pexels vì các bức ảnh miễn phí thật đẹp tại bài viết này)

1 thought on “Con Đường Trở Thành Chuyên Gia Pháp Chế Doanh Nghiệp Của Mình (phần 1)”

  1. Pingback: Con đường trở thành chuyên gia pháp chế của mình (phần 2)

Leave a Comment