Bạn đã bao giờ nghe nói rằng, cách nhanh nhất để hiểu hơn về một người là cùng họ trải nghiệm một chuyến đi dài chưa? Đó không phải chuyến đi theo kiểu tour du lịch được thiết kế sẵn, mà là chuyến đi do những người tham gia tự tìm hiểu, chọn điểm đến, lên lịch trình từ A-Z. Bởi vì không ai trong chúng ta biết trước được chuyến đi ấy sẽ diễn ra thuận lợi hay trắc trở, có bất kỳ điều gì khó khăn bất ngờ phát sinh hay không, do đó cách con người ta phản ứng sẽ nói lên rất nhiều về họ. Và biết đâu, một trong chúng ta cũng sẽ từ đó mà thay đổi thì sao.
Green Book – Bộ phim đầu tiên mình review để đăng lên Ngày Ngày Tiến Lên không đơn thuần là một câu chuyện hành trình giữa những người bạn. Nhưng bởi điều mình ấn tượng nhất là sự thay đổi từ sâu thẳm của những người tham gia cuộc hành trình ấy về những vấn đề vừa nhỏ bé vừa thật lớn lao, nên mình đã nghĩ đến quan điểm trên. Bạn cũng thử xem và cùng chia sẻ với mình nhé.
Câu chuyện của Green Book
Green Book lấy bối cảnh thập niên 1960, khi mà đạo luật Jim Crow vẫn còn ăn sâu vào lối sống của người dân miền Nam nước Mỹ. Luật này gồm những phép tắc hà khắc nhắm vào người da đen như không được ăn, ở chung hay dùng chung nhà vệ sinh với người da trắng. Tên phim bắt nguồn từ The Negro Motorist Green Book – một quyển sách phổ biến trong thời kỳ này, liệt kê các quán ăn và nhà trọ chấp nhận người da đen. Đây chính là cuốn sách hướng dẫn cùng đồng hành với hai nhân vật chính trong suốt chuyến đi.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật ngoài đời, bộ phim xoay quanh cuộc hành trình của hai nhân vật có thật Don Shirley (Mahershala Ali đóng) và Tony Vallelonga (Viggo Mortensen thủ vai) đã đem lại một câu chuyện ấm áp, ý nghĩa, hài hước và đầy cảm hứng. Don Shirley là nghệ sĩ piano da đen tài hoa, được trọng vọng tại thành phố New York (Mỹ). Ông được đào tạo ở nước ngoài, thông thạo nhiều thứ tiếng, có học vị tiến sĩ âm nhạc và tâm lý học, có địa vị cao trong giới thượng lưu. Tony – một bảo vệ quán bar đang thất nghiệp, đau đầu với gánh nặng cơm áo gạo tiền cho gia đình và luôn mang trong mình sự kỳ thị sâu sắc với người da đen. Để chuẩn bị cho một tour diễn dài 8 tuần đi về miền Nam nước Mỹ – nơi sự kỳ thị chủng tộc còn vô cùng nặng nề, Don đã thuê Tony làm tài xế kiêm vệ sĩ để bảo vệ mình trong suốt hành trình này. Đi từ sự khác biệt về tầng lớp xã hội, chủng tộc, quan điểm sống, vị thế, thông qua những tình huống éo le mà cả hai gặp phải trên đường đi, họ đã dần dần thay đổi và thu hẹp khoảng cách ban đầu với những câu chuyện ấm áp tình người.
Những điều mình thích ở Green Book
Thứ nhất là kịch bản với nhiều tình tiết tinh tế và đầy tính nhân văn. Green Book xây dựng lên hai nhân vật đối lập trong bối cảnh sự phân biệt chủng tộc còn nặng nề ở Mỹ nhưng lại không theo mô típ quen thuộc như các bộ phim cùng đề tài này. Nếu ở các bộ phim khác, bạn thường bắt gặp những câu chuyện về một người da đen nghèo khổ, bị bắt nạt, kỳ thị nặng nề bởi người da trắng thì ở đây bạn sẽ thấy một câu chuyện, nơi mà người da đen xuất hiện trong dáng hình một người giàu có, thuộc tầng lớp thượng lưu với một người tài xế da trắng được thuê để chăm lo cho mình suốt cả một hành trình. Thú vị chưa?
Điểm đặc biệt nữa là hai người họ không chỉ đối lập về màu da, học vấn, địa vị mà tất cả mọi điều từ tính cách, quan điểm, mọi thứ đều không giống nhau. Nếu như Don hiện lên là một ông chủ da đen có học thức, biết ứng xử chừng mực, kiêu ngạo với thế giới cô độc của riêng mình trong tòa lâu đài đóng kín thì Tony lại là một người làm thuê da trắng với sự phân biệt chủng tộc thường thấy, một gia đình đông vui phải chăm lo nhưng thật hạnh phúc, một lối sống lộn xộn, tùy tiện, thoải mái, không câu nệ phép tắc. Có một số cảnh mà mình thấy thực sự cảm động, như là khi Tony cố tìm cách nài/rủ rê/ép Don ăn gà rán bằng tay không ngay trên xe ô tô mà không cần dao, thìa, nĩa, thoải mái quẳng xương ra ven đường mà không cần câu nệ phép tắc; cảnh Don giúp Tony sửa chữa, trau chuốt cho những lá thư trước khi gửi cho người vợ ở nhà, hay cảnh Tony đứng ra bảo vệ Don trước sự phân biệt chủng tộc hà khắc mà cả hai gặp trên đường đi.

Trên hành trình ấy, cả hai nhân vật cùng thay đổi. Trước hết là thay đổi đến từ chính bản thân của họ. Don từ một người nổi tiếng thuộc giới thượng lưu, bề ngoài cao ngạo với vị thế của mình nhưng bên trong là ẩn ức, lo sợ về sự phân biệt chủng tộc hiện hữu khắp nơi, những ẩn ức dồn nén về sự cô đơn, về xu hướng tính dục của bản thân đã tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ bé của cuộc sống từ ảnh hưởng của Tony. Như việc thoải mái, thả lỏng bản thân khỏi những quy tắc thông thường, ăn gà bằng tay không, không chấp nhận cúi đầu trước một sự phân biệt nào nữa mà hủy luôn buổi biểu diễn cuối cùng và tới chơi nhạc miễn phí ở một quán rượu bình dân, cùng vui cười với những người thật bình thường nhưng trân trọng âm nhạc đích thực; lái xe chở người tài xế của mình qua cơn bão tuyết để về nhà kịp trong đêm; mở lòng lấy hết can đảm phá vỡ bức tường cô đơn vẫn ngăn cách, đem theo chai rượu tới chung vui với mọi người. Tony từ một người khô khan, tùy tiện, luôn giữ khư khư tâm lý phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp sâu sắc đã “xỏ chân vào đôi giày của người khác“, thấu cảm đối với cuộc sống của người bạn đồng hành của mình, dần yêu âm nhạc và viết ra được những bức thư trau chuốt, đứng ra bảo vệ những điều đúng đắn và những phẩm chất tốt đẹp của bản thân. Tiếp theo là sự thay đổi về cách nhìn nhận đối với bạn đồng hành của mình. Don từ việc nhìn Tony như một gã da trắng chỉ thích nói những điểm nhảm nhí, châm chọc, vô phép tắc, phân biệt chủng tộc, phát âm đến viết thư đều không tròn vành rõ chữ giờ đã trở thành một người có cá tính của riêng mình, nói lời giữ lời. Đó chính là lý do ở nhưng phân cảnh cuối của phim, khi đọc lá thư toát lên sự chân thật của Tony, Don đã nói rằng giờ đây không cần sửa thư cho anh ta nữa. Còn Tony, từ việc nhìn nhận Don như một gã nhà giàu hợm hĩnh, lắm tiền nhiều của, lắm quy tắc cứng nhắc đã dần hiểu về những phút giây cô độc và thế giới phức tạp mà một mình Don phải chống trọi. Sự thay đổi ấy thể hiện qua cách mà Tony kể với vợ về Don, từ chỗ “hắn sống trong một lâu đài với đủ thứ đồ sang chảnh, lố bịch”, cho đến “anh ta chơi nhạc cũng khá hay, anh nghĩ hay như X. nhưng hay hơn”, rồi tự hào nói với mọi người “anh ấy là thiên tài đấy”. Đúng là khi đặt mình vào vị trí của người khác, ta vừa cho mình cơ hội hiểu họ, cũng cho mình cơ hội để hiểu chính bản thân mình.

Một mặt khắc hoạ nạn phân biệt chủng tộc một cách gai góc, mặt khác Green Book vẫn có những tình tiết hài hước và ấm áp giúp bộ phim dễ xem và cuốn hút. Peter Farrelly đã rất nổi tiếng với những bộ phim hài đậm tính giải trí như Dumb and Dumber (1994), Me, Myself & Irene (2000), Shallow Hal (2001)… Nhưng đến với Green Book, ông thử sức mình với một bộ phim sâu sắc hơn, đậm chất nghệ thuật hơn và tinh tế hơn. Những tình tiết hài hước mang phong cách của ông vẫn còn đó, nhưng chúng được tiết chế một cách hài hoà và tự nhiên, mang lại tiếng cười và những khoảnh khắc ấm áp vừa đủ cho khán giả.
Điểm thứ hai mà mình yêu thích ở bộ phim này chính là những câu thoại truyền tải thông điệp đặc biệt ý nghĩa, ví dụ như:
“Whatever you do, do it 100%. When you work, work. When you laugh, laugh. When you eat, eat like it’s your last meal.” (Bất kể anh làm gì, hãy làm nó với 100% sức lực của mình. Khi anh làm việc, thì làm việc. Khi anh cười, thì cười. Khi anh ăn, hãy ăn như thể đó là bữa ăn cuối cùng của anh). Câu này nghe giống như tư tưởng thiền trong đạo Phật và quan điểm dốc hết sức cho việc mình làm bạn nhỉ.
“The world’s full of lonely people afraid to make the first move” (Thế giới đầy rẫy những người cô đơn sợ hãi trong việc bước những bước chân đầu tiên để kết nối với người khác).
“You never win with violence. You only win when you maintain your dignity.” (Anh sẽ không bao giờ chiến thắng bằng bạo lực. Anh chỉ chiến thắng khi duy trì được phẩm giá của anh).
“So if i’m not black enough and if i’m not white enough, then tell me, Tony, what am I?” (nguyên văn đoạn dài này là: “Phải, tôi sống trong lâu đài! Tony. Một mình. Và những kẻ da trắng giàu có trả tiền cho tôi để chơi dương cầm cho họ, bởi vì điều đó khiến họ cảm thấy có văn hoá. Nhưng ngay khi tôi bước xuống khỏi sân khấu đó, thì với họ tôi trở về ngay là một thằng da đen khác mà thôi. Bởi vì đó là văn hoá đích thực của họ. Và tôi một mình chịu đựng sự coi thường đó, vì tôi không được chính những người như mình chấp nhận, vì tôi cũng không giống họ! Nên nếu tôi chưa đủ đen, và nếu tôi chưa đủ trắng, và nếu tôi chưa đủ đàn ông, vậy thì nói tôi nghe đi Tony, tôi là gì?!”)
“Because being genius is not enough, it takes courage to change people’s hearts.” (Bởi vì trở thành một thiên tài thôi là chưa đủ, mà còn cần can đảm để thay đổi trái tim của con người.

Điểm thứ ba mà mình ấn tượng đó là diễn xuất tự nhiên và vô cùng ăn ý của Mahershala Ali và Viggo Mortensen đã góp vào thành công của bộ phim. Viggo – được khán giả biết đến nhiều nhất qua vai Aragorn trong series Chúa Nhẫn đã thể hiện được diễn xuất có chiều sâu và đa dạng hơn, vừa cục súc, hài hước nhưng vẫn rất ấm áp. Mahershala thì tiếp tục chứng minh được tài năng không thể bàn cãi của anh sau Moonlight (2016), và anh hoàn toàn xứng đáng với tượng vàng Oscar 2019 ở hạng mục Nam phụ xuất sắc nhất.
Điểm thứ tư mà mình yêu thích đó là màu phim tuyệt đẹp và soundtrack rất ấn tượng. Màu phim là một tông xanh ngọc đẹp đến ngỡ ngàng (lại một màu na ná màu chủ đề của Ngày Ngày Tiến Lên đó bạn hihi), đồng thời pha lẫn một chút tông vàng góp phần tạo nên cảm giác ấm áp kết hợp với những cảnh quay thiên nhiên nước Mỹ đã mang lại những khung hình đẹp đẽ. Nhạc nền của phim là tiếng piano cũng tạo nên hiệu ứng quan trọng góp phần làm nên thành công của bộ phim này. Đặc biệt soundtrack khiến mình nhớ đến bộ phim The Legend of 1900 với những bản piano tuyệt đẹp. Trong đó nhân vật chính đã giải thích thế này, về việc anh muốn dành trọn đời mình trên tàu, bên chiếc piamo, từ chối thế giới bao la lộng lẫy của New York ngoài kia, đó là: New York quả thật quá rộng lớn, với quá nhiều con đường, quá nhiều tòa nhà, rộng lớn tới mức ở đó anh không biết mình là ai và nên làm gì. Còn trên con tàu này, những phím đàn piano là hữu hạn, nhưng những bản nhạc là vô hạn. Trong cái hữu hạn đó, anh mới tìm thấy chính mình.
Lời kết
Mình vẫn tin rằng người ta sẽ thường tìm thấy ở người khác điểm nào đó giống mình rồi mới yêu họ. Phim ảnh, âm nhạc hay sách truyện đều như vậy, điều quan trọng khiến chúng đi vào lòng độc giả đó chính là nó nói thay nỗi lòng của họ, kể về câu chuyện của họ, để họ tìm thấy chính mình trong đó. Cho dù xoay quanh câu chuyện thành công của Green Book với giải Phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 91 năm 2019, thì với mình đây vẫn là một bộ phim hay đầy tính nhân văn, gần gũi.
Bên cạnh những tình tiết trực tiếp đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc giữa các dân tộc một cách sâu sắc, phim cũng có rất nhiều tình tiết tinh tế thể hiện những sự phân biệt tầng lớp, địa vị, giới tính…ngấm ngầm hiện hữu mà không hề xa lạ ngay trong một cộng đồng. Nhắc đến câu chuyện này khiến mình nhớ tới rất nhiều câu chuyện mình quan sát được trong khoảng thời gian sống ở nhà máy cho đến hiện tại và câu chuyện ngày mình ở Đà Lạt năm 2017. Chuyện là, trong hành trình gap year năm đó, mình có khoảng thời gian sống ở rừng, tiếp xúc và lắng nghe một số câu chuyện về một dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ ở đây. Đó là nơi mà phụ nữ làm chủ gia đình, đến tuổi lấy chồng, người con gái sẽ đem sính lễ đi hỏi chồng, chồng sang ở rể nhà vợ, làm việc theo lời vợ. Chỗ mình ở có một anh làm thuê thi thoảng lại xuất hiện với khuôn mặt nhiều vết bầm tím. Sau đó mọi người mới kể là anh ta ở nhà bị vợ bạo hành. Lúc ấy mình nhận ra là, ở đâu cũng thế, ở giới tính nào cũng vậy, nếu đã là tàn nhẫn thì kiểu gì người ta cũng tàn nhẫn với nhau được mà thôi.
Mình biết đến và xem Green Book thông qua lời giới thiệu của J. Một trong những điều mình thích ở J. chính là cách sống rộng mở và sự không phân biệt với mọi điều, điểm đó khiến J. trở nên đặc biệt trong mắt mình. Cảm ơn J. vì gợi ý phim thật hay ho này.
Các bạn hãy chậm rãi xem và chia sẻ với mình về bộ phim ý nghĩa này nhé.
Judy,
get 1% better every day,
(Cảm ơn bức ảnh đầu bài viết được lấy từ poster của phim trên Internet)
人更容易喜歡上與自己相似的人,但其實藉由更多不同之處反而能產生互補,甚至激發出火花。有人認為互補定律與相似性原則衝突,但我認為並不矛盾,而是彼此差異的雙方能夠在相處中截長補短,就能獲得一定程度的滿足。
關於跨種族議題的電影已經不算是新穎的題材,整個劇情並沒有很強烈的批判,兩個截然不同的人如何靠著尊重一步步地放下既定印象並接受對方,導演很成功用溫暖的劇情及豐富的娛樂性讓觀影者留下深刻的印象。
自大源自於自卑,而歧視源自於無知,就像文章說的,你如何看待你的同伴?任何的片面印象都不應該做為我們去認識他人的標準。很開心Judy可以這麼快的看完這部影片,並給了我意料之外的豐富回饋(這使我又重新看了一次),期待能跟你討論更多的電影 🙂