Gieo một hạt giống, nhận một cái cây
“Khi lớn lên, bạn muốn trở thành ai?”. Đây là một câu hỏi quen thuộc về ước mơ mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nhận được. Ước mơ năm 18 tuổi của mình là trở thành luật sư để bảo vệ mẹ mình, bảo vệ những người mình yêu thương và xa hơn là bảo vệ những người yếu thế, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Có hai lý do dẫn đến ước mơ đó. Một là mình lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, là nạn nhân của bạo lực gia đình nhiều năm trời. Mình luôn tự đặt câu hỏi rút cuộc mối quan hệ giữa người và người là như thế nào? Hôn nhân có gì tốt? Có thể dùng pháp luật để bỏ tù người gây ra bạo lực trong nhà mình hay không? Pháp luật có thể bảo vệ được những người khốn khổ trong chính ngôi nhà của mình hay không? Hai là, vào một ngày của năm 2013, khi Trung Quốc đang rục rịch chuẩn bị rất nhiều hoạt động để ngang nhiên xâm phạm vào chủ quyền biển đảo của Việt Nam, mình đã đọc được một bài viết trên báo Hoa học trò miêu tả về tình trạng này và nó thực sự khiến mình rơm rớm nước mắt. Phần kết của bài báo ấy, tác giả có viết đại ý như thế này: Hãy tưởng tượng bạn có một mảnh sân nhỏ trước ngôi nhà của mình. Hàng ngày, bạn đi lại trên mảnh sân để tập thể dục, con cái bạn chạy nhảy, đùa chơi. Bỗng một ngày, người hàng xóm chạy sang, dùng rất nhiều hành động ngang nhiên chiếm đoạt trên mảnh sân nhà bạn. Không những thế, ông ta còn tuyên bố với tất cả mọi người rằng đây là sân của nhà ông ta và bạn phải chơi theo luật mà ông ta đề ra. Điều mà chúng ta, những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường có thể làm được chính là cố gắng học hỏi cho thật tốt. Mỗi bạn trẻ trưởng thành, có kiến thức, có hiểu biết sẽ trở thành nhân tố tốt giúp cho đất nước ngày càng vững mạnh”. Đọc xong những dòng chữ ấy, trong lòng mình kiên quyết một mục tiêu rằng mình nhất định sẽ học tập cho thật tốt, hơn nữa sẽ trở thành luật sư để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên chiến trường quốc tế.
Và thế là mình học Luật. Thực ra thì trong quá trình học ấy, mình đã đau đáu đi tìm câu trả lời cho lý do thứ nhất và luôn thấy nặng nề về vấn đề này. Đây giống như một tảng đá luôn đè nặng lên trái tim mình, khiến trong suốt một khoảng thời gian dài, tất cả những gì mình nhận được là cảm xúc tiêu cực tột độ. Mình luôn băn khoăn luật pháp có bảo vệ được con người hay không? Mình phải làm gì để giải quyết vấn đề của gia đình mình? Ngoài học tập thì mình đã tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, học thiền, học tâm lý, tham vấn tâm lý…mọi thứ để có thể hỗ trợ bản thân và gia đình trong vấn đề này.
Cuối cùng thì mình đã tốt nghiệp với tấm bằng vừa đủ giỏi và trong đó môn Luật hôn nhân và gia đình vẫn là môn học mình ghét nhất và đương nhiên là được điểm thấp nhất mà mình cũng không buồn học lại. Môn Tư pháp quốc tế học rất nhiều về biển đảo là một trong những môn mà mình thấy thú vị và được thầy cô yêu mến. Nhưng lúc tốt nghiệp mới là lúc mình đã phân vân vô cùng khi không biết mình có muốn hành nghề luật và trở thành luật sư hay không? Rốt cuộc thì vì sao mình muốn học luật nếu không phải vì lý do về gia đình trên kia? Mình có thực sự thích nghề này không hay chỉ là quyết định trong lúc nóng giận nhất thời của một trái tim còn trẻ mà nhiều thương tổn? Và, mình một lần nữa rơi vào hoang mang.
Bạn biết đấy, khi rơi vào hoang mang người ta sẽ có vài lựa chọn. Một là tiếp tục sống với hoang mang và dò dẫm từng bước một với cuộc sống hàng ngày. Hai là làm gì đó để giải quyết tình trạng trên. Hoặc là chạy trốn. Mình thuộc trường hợp thứ ba.
Mình đã dành một năm gap year để làm những gì trước đây mình muốn. Có lúc mình dường như đã quyết định sẽ không theo đuổi nghề luật nữa và bắt đầu chuyển sang một nghề khác. Tuy nhiên, khi suy nghĩ rất nhiều và cũng có rất nhiều sự việc xảy ra, mình đã quyết định quay về để tiếp tục làm Luật. Một điều gì đó thôi thúc trong mình rằng duyên nợ của mình với nghề mới chỉ bắt đầu và chưa thể kết thúc ở đây được.
Thế nhưng cũng phải mất đến hai năm để mình quyết định có tiếp tục đi học để thẻ hành nghề luật sư hay không. Để bạn biết thêm thì ngành của mình, sau khi hoàn thành bằng cử nhân thì chúng mình phải học thêm một năm đào tạo luật sự ở Học viện Tư pháp và thêm một năm tập sự hành nghề ở các văn phòng, công ty luật rồi trải qua kỳ thi thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Đó thực sự là một hành trình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và nỗ lực. Nhưng đối với mình, việc trả lời được câu hỏi vì sao mình bắt đầu hành trình này, mình có nên tiếp tục theo đuổi nó hay không quan trọng hơn nhiều.
Ngày hôm nay, khi viết những dòng này gửi cho chính mình và chia sẻ với mọi người, mình đang làm nhân viên pháp chế cho một doanh nghiệp nước ngoài, ngày ngày trau dồi kiến thức chuyên môn và năng lực ngoại ngữ đồng thời chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc khóa đào tạo luật sư đầy áp lực của Học viện Tư pháp. Và điều tuyệt vời là, gần đây, khi để ý đến nhận thức, cảm giác của mình với nghề Luật, mình không còn cảm thấy nặng nề như xưa nữa. Mình bắt đầu nhìn thấy ý nghĩa thiết thực, sự hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống của nghề, tương lai, tiềm năng của nghề và bắt đầu đặt ra những mục tiêu để theo đuổi.
Dự định sắp tới của mình sẽ là tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này, kết hợp đi tập sự hành nghề và sớm thi lấy thẻ hành nghề. Mình sẽ trở thành luật sư. Đồng thời, quan trọng hơn, mình muốn trở thành một người mà luôn sống với sự nhiệt thành, trái tim ấm áp và dốc lòng cho những việc mình làm. Biết đâu một ngày nào đó mình sẽ góp tiếng nói trên thị trường quốc tế, bằng cách này hay cách khác để thực hiện được lý do thứ hai khiến mình theo đuổi nghề này thì sao.
Ngoài ra thì năm 18 tuổi ấy mình còn có ước mơ trở thành nhà nghiên cứu sinh vật biển và viết sách. Lúc ấy, mình đã suýt nữa thì chuyển sang để thi ngành Hải dương học chỉ vì quá yêu thích biển và sinh vật biển. Đến bây giờ điều ấy vẫn còn ấp ủ trong mình. Thế nên là, mình dự định sẽ chuẩn bị thật tốt cho cuộc sống hành nghề luật ở một thành phố biển và phát triển thêm công việc viết lách mà mình yêu thích.
Vậy, những bài học mà mình rút ra là gì?
Một là, chúng ta luôn cần một hạt giống tốt để có một cái cây khỏe. Lý do bắt đầu thực sự vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hành trình nhận ra và điều chỉnh nó về đúng hướng mình mong muốn còn quan trọng hơn nhiều. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi quan trọng trong nhận thức về nghề nghiệp của mình chính là vì cùng với việc chữa lành vấn đề từ gia đình thì ước mơ của mình đã được chữa lành theo. Mình đã bắt đầu ước mơ này với sự hằn học, oán hận, buộc bản thân phải thực hiện ước mơ với sự nặng nề. Để rồi giống như gieo hạt giống xấu, mình đã gặt phải những hạt thóc lép, mình trở nên không thỏa mãn và muốn từ bỏ ước mơ. Thế nhưng, khi mình quay về chữa lành cái căn nguyên của vấn đề, chữa lành, ấp ủ cho hạt giống mình gieo, suy nghĩ cẩn thận, nuôi dưỡng lý do mình bắt đầu thì mọi thứ dần trở nên có hi vọng. Bạn biết mà, có hi vọng, thật tốt.
Hai là, mọi thứ luôn có thời điểm của riêng mình, miễn là chúng ta kiên trì và nỗ lực. Hành trình của mình, nếu so với bạn bè cùng trang lứa là chậm vì mình bận nên lấy bằng muộn, tốt nghiệp sau các bạn. Sau đó thì có một quãng thời gian định bỏ nghề rồi mới quay lại. Trên hành trình này có rất nhiều lúc mình tự so sánh bản thân với người khác rồi trở nên thất vọng, buồn bã. Nhưng sau đó mình nhận ra rằng tất cả những gì mình trải qua là cần thiết, là bài học mà mình cần học nếu muốn tốt nghiệp trường đời. Thế nên là, hãy cứ vững tin bạn ạ, rằng mỗi người đều có con đường và thời điểm của riêng mình, chỉ cần chúng ta kiên trì, dốc lòng với nó.
Ba là, trở thành ai không quan trọng bằng việc chúng ta sẽ trở thành người như thế nào. Mình cho là, câu trả lời đúng phải bắt đầu từ một câu hỏi “trúng” và trên thực tế, không phải câu hỏi nào cũng đi vào trúng vấn đề để có ngay được đáp án mà mình mong muốn từ đầu. Hai câu hỏi “bạn muốn trở thành ai?” và “bạn muốn trở thành người như thế nào?”chính là như vậy. Đối với mình, trở thành ai không quan trọng bằng trở thành người như thế nào. Bởi vì, chỉ cần xác định được mình sẽ trở thành người như thế nào, kiên trì vun đắp, nỗ lực cho ước mơ đó thì sau này dù có trở thành ai thì chúng ta cũng được sống với điều mình mong muốn mà không cần phải lăn tăn. Trở thành người như thế nào là mục tiêu lâu dài. Trở thành ai là cách mà chúng ta chọn lựa để thực hiện mục tiêu đó.
Mong là tất cả chúng ta sẽ kiên trì trên hành trình tìm kiếm, thực hiện ước mơ và trở thành người mà mình mong muốn nhé.
Judy
get 1% better every day
(Cảm ơn Unsplash vì bức ảnh miễn phí thật đẹp đầu bài viết này)
Pingback: Con đường trở thành chuyên gia pháp chế doanh nghiệp của mình - Ngày Ngày Tiến Lên